Mở công ty, mua bán nhà, xin cho con đi học, làm đơn xin học bổng, v.v… đều cần đến bản sao CMND. Và thông thường các bản sao này nhất định phải có con dấu chứng thực của Ủy ban nhân dân phường.
Nhưng liệu việc chứng thực có tác dụng hay không, hay chỉ là hình thức dư thừa (red tape) mà tất cả các quốc gia khác trên thế giới đều đang muốn cắt giảm?
Tôi đem 5 bản sao giấy CMND ra UBND phường xin chứng thực sao y bản chính. Bản sao của tôi là hai mặt CMND trên cùng một mặt giấy khổ A5, cách nhau một khoảng trống vừa đủ để một con dấu chứng thực đè lên cả hai mặt CMND. Nhân viên UBND trả lời rằng sao chép như vậy không đúng quy cách và yêu cầu sử dụng dịch vụ ở ngay tại UBND phường. Họ sao chép 2 mặt CMND trên 2 mặt giấy của cùng một tờ giấy nhỏ. Khi chứng thực, nhân viên UBND phường không hề nhìn tới mặt sau của CMND (nơi ghi rõ dấu hiệu nhận dạng và ngày cấp CMND) cũng như chỉ đóng dấu chứng thực vào một mặt của bản sao!
Câu hỏi được đặt ra là:
- Nếu không kiểm tra giữa bản chính và bản sao, ý nghĩa của việc chứng thực là gì?
- Con dấu chứng thực chỉ đóng ở một mặt, mặt còn lại liệu có còn giá trị chứng thực?
- Tại sao một bản sao mắc phải những lỗi nghiêm trọng ảnh hướng đến tính chính xác của thông tin được cho là đúng quy cách?
Một câu hỏi quan trọng, và tổng quát hơn là tại sao việc chứng thực lại cần thiết? Dù đã có một bản sao chứng thực, mọi người vẫn bắt buộc phải đem bản chính theo để các cơ quan khác kiểm tra lại. Bỏ qua việc họ có kiểm tra lại hay không, vấn đề là với bản chính đem theo đó, các cơ quan khác có thể dễ dàng tạo ra các bản sao ngay lập tức. Việc này vừa loại bỏ đi một phiền hà không đáng có, vừa đảm bảo tính trung thực của thông tin.
Xin lưu ý rằng chúng ta chưa nói đến tính chính xác của thông tin được chứng thực trong bài này.